Việc đăng ký nhãn hiệu độc quyền có vai trò quan trọng với việc kinh doanh của các doanh nghiệp giúp phân biệt, so sánh và khẳng định thương hiệu, xây dựng một hình ảnh tốt và uy tín về sản phẩm của công ty trên thị trường. Trong quá trình đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp cũng có nhiều câu hỏi đặt ra như thời gian đăng ký nhãn hiệu là bao lâu hay chi phí là bao gồm những gì. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin đầy đủ cho doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian đăng ký nhãn hiệu
Sau khi trải qua quá trình thẩm định đơn thì nhãn hiệu sẽ được cấp Văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, do đặc thù là thủ tục hành chính về sở hữu trí tuệ nên thời gian đăng ký nhãn hiệu được thực hiện khá lâu. Trước khi tiến hành thủ tục, quý khách cần tra cứu nhãn hiệu trên website của Cục Sở hữu trí tuệ để đánh giá khả năng đăng ký của nhãn hiệu. Tránh trường hợp sau khi đã tiến hành nộp đơn vào Cục, trải qua thời gian thẩm định dài chuyên viên kết luận nhãn hiệu không có khả năng bảo hộ.

Theo Điều 119 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung 2009, thời gian đăng ký nhãn hiệu được quy định cụ thể như sau:
Bước 1: Thẩm định về hình thức
– Mục đích: Kiểm tra hình thức và cách thức trình bày của các tài liệu có trong đơn; kiểm tra tính pháp lý về chủ thể nộp đơn, về hồ sơ hưởng quyền ưu tiên;
– Thời gian: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn
Bước 2: Công bố đơn hợp
– Mục đích: Để chủ đơn theo dõi quá trình thẩm định đơn
– Thời gian: 02 tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận hợp lệ sau khi đã thẩm định hình thức.
Bước 3: Thẩm định về nội dung
– Mục đích: Kiểm tra chi tiết nhãn hiệu có bị trùng hay tương tự với nhãn hiệu khác hay không, đánh giá khả năng được cấp Văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu;
– Thời gian: 09 tháng kể từ ngày công bố đơn.
Như vậy, thời gian đăng ký nhãn hiệu từ lúc nộp hồ sơ đến khi được cấp Văng bằng bảo hộ là 12 tháng.
Lưu ý: Trên thực tế, thời gian đăng ký nhãn hiệu có thể kéo dài lên tới 18 – 24 tháng bởi các lý do sau:
- Số lượng đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ ngày càng nhiều, việc thẩm định đơn sẽ ngày càng kéo dài hơn.
- Đơn đăng ký bị yêu cầu sửa đổi, bổ sung do hồ sơ, tài liệu có sai sót về hình thức.
Chi phí đăng ký nhãn hiệu
Khi làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu thì người nộp đơn cần phải nộp các khoản phí, lệ phí được quy định tại Thông tư 22/2009/TT-BTC, biểu phí cụ thể:
- Lệ phí nộp đơn: 150.000 VNĐ/đơn
- Lệ phí tra cứu phục vụ thẩm định: 180.000 VNĐ/nhóm sản phẩm, dịch vụ
- Lệ phí thẩm định đơn: 550.000 VNĐ/nhóm sản phẩm dịch vụ
- Lệ phí công bố đơn: 120.000 VNĐ/đơn
- Lệ phí cấp văn bằng bảo hộ: 120.000 VNĐ/đơn
- Lê phí đăng bạ: 120.000 VNĐ/đơn
Nếu chủ đơn có yêu cầu về hưởng quyền ưu tiên hoặc các yêu cầu khác thì cần đóng phí tương ứng

Đối với Đơn đăng ký Nhãn hiệu gồm nhiều nhóm, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ:
Phí thẩm định nội dung đơn đăng ký Nhãn hiệu:
- Đối với mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ đăng ký bảo hộ: 550.000đ;
- Đối với mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ đăng ký bảo hộ có trên 6 sản phẩm/dịch vụ đăng ký, phải nộp thêm cho mỗi sản phẩm/dịch vụ từ thứ 7 trở đi: 120.000đ
Phí tra cứu phục vụ thẩm định nhãn hiệu:
- Đối với mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ đăng ký bảo hộ: 180.000đ;
- Đối với mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ đăng ký bảo hộ có trên 6 sản phẩm/dịch vụ đăng ký, phải nộp thêm cho mỗi sản phẩm/dịch vụ từ thứ 7 trở đi 30.000đ.
Lệ phí cấp giấy chứng nhận: 120.000đ; Lệ phí đăng bạ: 120.000đ;
Lưu ý:
Trên đây là chi phí đăng ký nhãn hiệu cho một đơn với một nhóm ngành nghề. Trong các trường hợp cần thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên hay chuyển nhượng đơn, Chủ sở hữu phải nộp thêm lệ phí.
Trường hợp chủ đơn nộp đơn thông qua công ty đại diện sở hữu trí tuệ sẽ trả thêm phí dịch vụ riêng!
Cách thức nộp chi phí đăng ký nhãn hiệu
a) Hình thức nộp
- Người nộp đơn có thể nộp trực tiếp tại Bộ phận thu phí của Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ
- Người nộp đơn nộp thông qua tài khoản Kho bạc nhà nước hoặc gửi qua bưu điện. Trong trường hợp này, người nộp đơn cần phải nộp cả chứng từ đã nộp phí, lệ phí kèm trong hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chuyển phát đến Cục Sở hữu trí tuệ. Chi tiết cụ thể hướng dẫn tại Thông báo số 5241/TB-SHTT ngày 27/03/2020
b) Địa điểm nộp
- Chủ sở hữu có thể tiến hành chuyển phát lệ phí đến các địa điểm sau đây:
- Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.