Một doanh nhân bắt tay vào khởi nghiệp luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Từ thiếu kinh nghiệm, kiến thức đến thiếu sót trong xây dựng doanh nghiệp, nguồn nhân lực. Một trong số đó có thể kể đến những nhận thức sai lầm về tài sản trí trí tuệ nói chung và việc đăng ký nhãn hiệu nói riêng. Dưới đây là 5 lầm tưởng về đăng ký nhãn hiệu thường gặp khi khởi nghiệp:
Có thể bạn quan tâm
Không đăng ký nhãn hiệu độc quyền
Trong mỗi doanh nghiệp, có 02 loại tài sản là tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Tài sản hữu hình gồm nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, máy móc… Tài sản vô hình của doanh nghiệp là nguồn nhân lực, là bí quyết kinh doanh, là thương hiệu,…Từ trước đến nay, các doanh nhân thường chỉ quan tâm đến tài sản hữu hình. Tài sản vô hình nói chung, đặc biệt là các tài sản sở hữu trí tuệ, cụ thể là nhãn hiệu của sản phẩm thường ít được chú trọng.
Đây là một sai lầm phổ biến nhưng lại cần được khắc phục càng sớm càng tốt. Mỗi khi một sản phẩm, dịch vụ được đưa vào thị trường thương mại, việc sản phẩm dịch vụ đó bị các đối thủ làm giả, làm nhái hoặc ngang nhiên sử dụng tên thương hiệu là chuyện sớm muộn. Đăng ký nhãn hiệu là việc làm cần thiết để nhãn hiệu sản phẩm tránh khỏi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh này.

Cho rằng việc bảo hộ nhãn hiệu có tính toàn cầu
Thông thường, các doanh nghiệp thương tin tưởng rằng bằng việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu của họ sẽ được bảo hộ tại Việt Nam, Trung Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Tuy nhiên đây lại là nhận thức sai lầm. Quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu có tính lãnh thổ. Điều này có nghĩa là khi một nhãn hiệu được bảo hộ ở một quốc gia không có nghĩa nhãn hiệu đó được tự động bảo hộ trên toàn thế giới. Vì vậy, để nhãn hiệu được bảo hộ ở các quốc gia khác ngoài nước sở tại, người nộp đơn cần nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài.
Cho rằng pháp luật và thủ tục bảo hộ nhãn hiệu là giống nhau trên toàn thế giới
Giống như các quy định pháp luật về các lĩnh vực khác, pháp luật sở hữu trí tuệ ở các nước có nhiều điểm khác biệt. Vì vậy, các quy định về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cũng như thủ tục đăng ký nhãn hiệu là không giống nhau ở các quốc gia.
Ví dụ: Tại Mỹ, ngoài điều kiện về khả năng phân biệt của nhãn hiệu cần đăng ký với các nhãn hiệu khác như điều kiện đăng ký nhãn hiệu ở Việt Nam, một nhãn hiệu cần phải đáp ứng được điều kiện (1) Đã được sử dụng tại Mỹ (2) Có dự định sử dụng tại Mỹ. Quy định này nhắm vào việc sử dụng thực tế của nhãn hiệu nhằm đề phòng trường hợp chỉ đăng ký để giành quyền bảo hộ.
Không kiểm tra khả năng đăng ký của nhãn hiệu
Một nhãn hiệu muốn được bảo hộ cần có tính phân biệt với các nhãn hiệu khác. Một nhãn hiệu nếu trùng với một nhãn hiệu đã được đăng ký hoặc thậm chí tương tự với một nhãn hiệu đã được bảo hộ có cùng sản phẩm, dịch vụ thì việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gần như là bất khả thi. Vì vậy, nếu không tiến hành tra cứu nhãn hiệu trước khi đăng ký nhãn hiệu, việc nộp đơn có thể bị xem là tốn công vô ích.
Ví dụ: Một doanh nhân tiến hành khởi nghiệp ý tưởng sản xuất điện thoại di động có các tính năng sáng tạo như điện thoại sử dụng pin thân thiện với môi trường. Doanh nghiệp của người này làm hồ sơ đăng ký nhãn hiệu “Xiaoni” cho nhãn hiệu của mình. Tuy nhiên, do không tiến hành tra cứu nên không biết nhãn hiệu họ đang muốn đăng ký sẽ không được chấp nhận bảo hộ do có dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu “Xiaomi” đã bảo hộ trước đó cho sản phẩm tương tự.
Đặt tên nhãn hiệu trùng với tên danh nhân, lãnh tụ
Một xu hướng thường gặp khi các doanh nghiệp chọn tên nhãn hiệu cho sản phẩm của mình là lấy tên danh nhân, lãnh tụ để đặt tên nhãn hiệu. Có lẽ xu hướng này xuất phát từ tâm lý muốn người tiêu dùng nhanh chóng nhận biết được thương hiệu của mình và lấy được sự tin tưởng của khách hàng dựa vào uy tín cá nhân của danh nhân, lãnh tụ đó. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, việc đặt tên nhãn hiệu như vậy là không được phép và làm mất khả năng được bảo hộ của nhãn hiệu. Theo quy định tại Luật sở hữu trí tuệ hiện hành, việc lấy tên danh nhân, nhãn hiệu làm tên nhãn hiệu cho sản phẩm, dịch vụ là trường hợp bị cấm.
Như vậy, có thể thấy, ngoài những khó khăn về mặt kinh tế, quản trị mà một doanh nghiệp khởi nghiệp gặp phải thì các lầm tưởng trong bảo hộ nhãn hiệu cũng là một gánh nặng mà doanh nghiệp phải đối mặt.